Như người Hà Nội xưa, Tết Hàn Thực là phải có bánh trôi bánh chay. Tuy nhiên, bánh trôi bánh chay Tết Hàn thực khác với bánh trôi bánh chay của ngày mùng 5/5 Âm lịch (diệt sâu bọ).
Vì chỉ có tháng 3 mới có hoa bưởi, nên bánh trôi bánh chay của Tết Hàn thực có ướp hoa bưởi, còn bánh trôi của 5/5 sẽ không có.
Nguồn Gốc Tết Hàn Thực
Sau 19 năm trời cùng vua phiêu bạt khắp nơi, cùng nếm nhiều trái đắng của cuộc đời thì cuối cùng Tấn Văn Công cũng giành lại được ngôi vua của nước Tấn. Thế nhưng khi ban thưởng cho những người một lòng phò tá trong những năm tháng cơ cực, Vua Tấn lại quên mất Giới Tử Thôi.
Thế nhưng, vị hiền sĩ này không oán trách nhà vua mà chỉ lặng lẽ ở ấn cùng mẹ già. Khi nhớ ra nhà vua đã thúc ép Giới Tử Thôi trở về nhiều lần không được thì đành đốt rừng để ép bằng được. Không ngờ, vị hiền sĩ thanh cao này quyết không về bên vua và đã chấp nhận chết cháy trong ngọn lửa hung tan kia.
Nhà vua vô cùng ân hận trước lỗi lầm của mình nên đã cho lập miếu thờ và tưởng nhớ 2 mẹ con vị hiền sĩ và ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Tuy có nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của Việt Nam ta vẫn có những nét đặc trưng rất riêng, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm, con cháu sẽ nấu đồ ăn chín để nguội như bánh trôi để bày tỏ lòng hiếu thảo, thành kính để tưởng nhớ đến công ơn của Ông bà, Tổ tiên.
Dẫu cho cuộc sống thay đổi không ngừng, ai ai cũng hối hả, bận rộn vì công việc hàng ngày nên việc tự tay làm nên những chiếc bánh đặc trưng của Tết Hàn thực trở nên vô cùng hạn chế.
Nguyên Liệu Cần Chuẩn Bị:
Để làm những chiếc bánh trôi nhỏ xinh, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau:
- Bột gạo nếp: 500 gram
- 1 ít muối
- Nước lạnh
- Đường phên (hay còn gọi là đường thẻ)
- Vừng (đã được rang sẵn)
- Dừa nạo thành sợi .
Các bước thực hiện làm bánh trôi:
Tiếp theo, Món ngon hôm nay sẽ chia sẻ các bước làm món bánh trôi:
Bước 1: Trộn bột làm vỏ bánh trôi
Bạn hãy lấy lượng Bột nếp đã chuẩn bị ở trên pha cùng với ít muối và nước lạnh. Sau đó, bạn dùng tay nhồi kĩ bột cho đến khi tạo ra được một khối bột thật dẻo.
Bước 2: Nặn bánh trôi
Để nặn được thành những viên bánh trôi nhỏ xinh, bạn hãy lấy từng phần bột nhỏ, vo tròn thành từng viên bột nhỏ rồi sau đó dùng tay ấn cho viên bột dẹt ra. Sau đó, bạn đặt viên đường phên đã được cắt thành những hình vuông nhỏ góc cạnh vào chính giữa viên bột và tiếp tục dùng tay vò tròn những viên bột lại.
Bước 3: Luộc bánh trôi
Tiếp theo là đến công đoạn luộc bánh. Trước khi luộc bánh có một lưu ý nho nhỏ đó là bạn nên chuẩn bị một bát nước lạnh đun sôi để nguội ở bên cạnh để khi vớt bánh ra thì bạn sẽ thả bánh vào bát nước này.
Đầu tiên của công đoạn luộc bánh, bạn hãy đun một nồi nước thật sôi, sau đó thả từng mẻ bánh trôi vào trong nồi nước (Lưu ý: mỗi mẻ bạn nên thả từ 5-7 viên bánh để bánh được chín đều và có thể dễ dàng vớt bánh).
Lúc mới thả những viên bánh trôi vào nồi nước sôi, bánh sẽ chìm xuống. Sau đó, khi chín bánh sẽ nổi lên và ngay lập tức bạn nên vớt bánh ra để tránh việc bánh bị nhão làm mất đi vị ngon của nó.
Sau khi vớt những viên bánh trôi nhỏ xinh ra thì bạn hãy nhớ thả ngay chúng vào tô nước lạnh để bánh khỏi dính và bị nhão. Tiếp đó, bạn chỉ cần bày thành quả của mình lên đĩa và thêm một ít dừa đã nạo thành sợi hoặc một vừng rang mà bạn đã chuẩn bị lên trên bè mặt của bánh trôi để làm tăng độ bắt mắt cũng như hương vị của món bánh.
Những lưu ý khi làm bánh trôi:
– Đậu xanh nên chọn loại hạt nhỏ để nhân bánh thơm bùi hơn.
– Khi nhào bột, bạn đổ nước từ từ, vừa đổ vừa nhào để bột không bị nhão.
– Vo bột bọc bên ngoài nhân thật khít, tránh để khí lọt vào. Nếu bọc không khít, khi đun, chiếc bánh dễ bị vỡ.
Chúc các bạn thực hiện món bánh trôi truyền thống này và sẽ có những giây phút vui vẻ bên gia đình và bạn bè vào dịp Tết Hàn thực.
Theo Quỳnh Anh (Monngonhomnay.com)